Khi còn nằm trong bụng mẹ, dây rốn sẽ dẫn máu từ mẹ sang bé, cung cấp oxy và dưỡng chất cần thiết giúp nuôi bé lớn lên. Khi bé chào đời, dây rốn sẽ được cắt đi, chỉ còn một đoạn khoảng 2cm và khô dần. Sau một đến hai tuần rốn sẽ tự rụng. Các mẹ cần biết cách chăm sóc rốn cho bé để rốn mau khô, mau rụng và không bị nhiễm trùng.


Lau rốn bằng dung dịch gì?

Trước kia, các bác sĩ thường khuyên bà mẹ lau rốn trẻ mỗi ngày bằng cồn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, việc này không cần thiết vì cồn có thể làm kích thích da quanh rốn và thậm chí làm rốn lâu rụng. Bạn có thể lau rốn bé hằng ngày bằng nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%). Chỉ khi nào rốn bị nhiễm trùng mới cần lau bằng cồn hoặc cồn I - ốt.

Có nên băng rốn không?

Bạn nên để rốn hở, không băng rốn. Nếu băng kín, rốn sẽ bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, gây nên bệnh lý nhiễm trùng rốn. Bạn nên quấn tã thấp dưới rốn để rốn luôn được thoáng. Dây rốn chỉ chứa các mạch máu (và đã dần khô lại) nên bạn đừng sợ bé bị đau khi chạm vào quần áo nhé!

Có cần bôi thuốc lên rốn?

Bạn không cần bôi bất cứ thuốc gì lên rốn nếu rốn không bị nhiễm trùng, cũng tuyệt đối không rắc tiêu, thuốc bột kháng sinh… lên rốn vì không có ích lợi gì và có thể làm kích ứng da quanh rốn. Chỉ cần được khô thoáng, sạch sẽ, rốn sẽ mau rụng và không bị nhiễm trùng.

Tắm bé như thế nào khi rốn chưa khô?

Khi rốn chưa rụng bạn không nên thả bé vào chậu nước để tắm. Bạn nên dùng bông tắm hoặc khăn mềm nhúng nước, tắm gội từng phần cho bé, tránh không để rốn ướt. Nếu rốn bị dính nước tiểu, bạn có thể rửa nhẹ nhàng bằng nước đun sôi để nguội và thấm khô bằng gạch sạch.

Những dấu hiệu của nhiễm trùng rốn

Nếu da quanh rốn sưng đỏ, rốn tiết dịch hôi hoặc mủ vàng, bạn cần đưa bé đi khám bệnh ngay.

Chồi hạt rốn.

Nếu sau khi rụng rốn mà rốn không khô, vẫn tiếp tục rỉ nước thì bạn cần đưa bé đi khám. Tình trạng này thường do chồi hạt rốn. Bác sĩ sẽ dùng dung dịch nitrat bạc hoặc nitrat bạc dạng thỏi khô để chấm vào rốn cho bé. Một số ít trường hợp bị rỉ dịch rốn kéo dài do tồn tại ống nối giữa rốn và bàng quang (bọng đái). Bác sĩ sẽ xác định chẩn đoán này nhờ siêu âm và bé có thể phải trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt ống nối này.

Đừng xem thường nhưng cũng đừng quá sợ hãi việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

Có những trường hợp bé bị bỏng da quanh rốn vì bị rắc tiêu vào rốn rồi băng kín lại. Còn những trường hợp khác thì cha mẹ đưa bé đến khám trong tình trạng rốn bị nhiễm trùng vì bị băng kín lâu ngày. Lý do là mẹ sợ bé đau và nhiễm trùng nên không dám chạm đến rốn bé. Bệnh lý nhiễm trùng rốn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và thậm chí có thể làm trẻ bị tử vong. Bạn nên chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tránh những sai lầm đáng tiếc.

Theo tạp chí Cha mẹ & con (20/11/2013)
http://dairygoat.vn/cham-soc-be-cung-chuyen-gia.html

 
Top