1. Dạy bé kiểm soát nội tâm
Nhiều cha mẹ sử dụng phần thưởng và trừng phạt để giúp con cư xử đúng đắn. Nhưng trẻ cần học cách làm mọi việc đúng đắn hơn là phần thưởng và trừng phạt. Trên thực tế, phần thưởng và sự trừng phạt thường phá huỷ tinh thần tự giác của trẻ, bởi vì trẻ kiểm soát hành động do các tác nhân bên ngoài. Trẻ sẽ không biết cân nhắc tới vấn đề đúng hay sai và không biết cách đưa ra các quyết định đúng.
2. Giao trách nhiệm cho trẻ
Trẻ sẽ tự giác khi trẻ có tinh thần trách nhiệm. Với các bé còn nhỏ, bạn có thể giao cho bé công việc lau bàn, thu dọn đồ chơi,... Những công việc nho nhỏ phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ cảm thấy tốt về bản thân mình hơn, đồng thời giúp trẻ nghĩ tới người khác.
3. Để trẻ đưa ra quyết định
Mặc dù trẻ chưa đủ kỹ năng và kinh nghiệm để đưa ra tất cả các quyết định trong cuộc sống của trẻ, nhưng bạn có thể khuyến khích trẻ học các kỹ năng đưa ra quyết định càng sớm càng tốt. Trẻ có thể được lựa chọn bất cứ khi nào trẻ giao tiếp với chúng ta. Khi trẻ có quyền lựa chọn, trẻ sẽ cảm thấy mình có quyền kiểm soát hơn.
Bạn có thể để trẻ lựa chọn mình uống sữa hay uống nước hoa quả vào bữa sáng. Bạn có thể hỏi bé chơi đồ chơi gỗ hay chơi Lego. Với các bé lớn hơn, bạn nên cho bé thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Tuy nhiên, bạn nên cho bé lựa chọn những thứ mà bạn có thể chấp nhận được. Ví dụ, nếu bạn hỏi "Con muốn uống gì vào bữa sáng?", bé sẽ có quá nhiều lựa chọn ngoài tầm kiểm soát của bạn, ví dụ như ăn kem chẳng hạn (đó là lựa chọn bạn không mong muốn). Tốt hơn hết là bạn nên đưa ra 2 hoặc 3 lựa chọn như "Con muốn ăn xôi hay ăn phở?" Bạn cần phải đảm bảo rằng tất cả những lựa chọn mà bạn đưa ra là những lựa chọn bạn sẵn sàng chấp nhận và thực hiện khi bé lựa chọn.
Để đưa ra các lựa chọn cho con, bạn cũng cần giúp bé hiểu trách nhiệm với quyết định của mình. Nếu bé chọn uống sữa và thay đổi quyết định sau khi bạn đã lấy sữa cho bé, bạn có thể nói với bé biết rằng đó là quyết định của bé ban đầu. Bạn có thể an ủi bé bằng cách nói với bé rằng bé có thể chọn uống nước hoa quả vào bữa trưa hoặc bữa sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, nếu bé thay đổi trước khi bạn đổ sữa cho bé, bạn có thể linh động. Con trẻ cũng cần học cả cách linh động và chịu trách nhiệm khi đưa ra quyết định.
Bạn cần giải thích cho trẻ thấy rằng tất cả các lựa chọn đều có hậu quả kèm theo. Hậu quả đó có thể là tốt hoặc xấu. Bạn có thể giúp trẻ hiểu khi trẻ lựa chọn một thứ gì đó, trẻ sẽ phải từ bỏ thứ kia. Lựa chọn sẽ giúp trẻ tự giác bởi chúng khuyến khích trẻ suy nghĩ về những thứ quan trọng nhất.
4. Để trẻ gặp sai lầm
Tất cả mọi người, từ già lẫn trẻ, đều học hỏi qua những sai lầm. Bạn không nên từ bỏ cơ hội học hỏi này của con. Nếu bé đưa ra một quyết định sai, thay vì bạn giải quyết vấn đề cho bé, bạn hãy thảo luận với con những việc mà bé cần làm để lần sau bé có thể quyết định đúng hơn. Ví dụ, nếu trẻ giành đồ chơi của bạn bè, bạn không nên lặp lại hành vi như vậy bằng cách giành lại đồ chơi của bé. Thay vì vậy, bạn có thể giải thích với bé rằng giành đồ chơi của người khác là hành vi không chấp nhận được, và bạn có thể hỏi bé lần sau bé sẽ làm gì để mượn đồ chơi của bạn. Bé sẽ học hỏi được bài học đáng giá.
5. Cảm thông
Buồn, giận hoặc thất vọng là những cảm xúc thường gặp khi chúng ta lựa chọn không đúng. Bạn có thể cho bé biết rằng bạn cũng có những cảm xúc đó khi quyết định sai.
-Nguồn: Fanpage Kỷ luật không nước mắt-

Đăng nhận xét

 
Top