Ngủ trưa – chỉ một từ đơn giản nhưng đối với nhiều bậc cha mẹ lại vô cùng quan trọng. Tại sao lại như vậy? Ngủ là một hoạt động cần thiết cho cơ thể, và trẻ em lại càng cần ngủ đủ giấc. Tầm quan trọng của những phút chợp mắt

1) Tầm quan trọng của những phút chợp mắt
Ngủ trưa – chỉ một từ đơn giản nhưng đối với nhiều bậc cha mẹ lại vô cùng quan trọng. Tại sao lại như vậy? Ngủ là một hoạt động cần thiết cho cơ thể, và trẻ em lại càng cần ngủ đủ giấc, thế nên bé cần thêm những lúc ngủ ngày. Sự phát triển hệ thần kinh và thể chất thường xảy ra mạnh mẽ lúc nhỏ và ngủ ngày đem lại khoảng thời gian nghỉ ngơi kích thích phát triển và để bé dưỡng sức. 
Ngủ ngày giúp trẻ tránh mệt mỏi vốn không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn làm bé khó ngủ vào buổi tối. Lúc bé ngủ ngày còn là khoảng thời gian cho bố mẹ giải quyết việc nhà hay đơn giản là được thong thả một chút.

2) Nhu cầu ngủ tùy theo độ tuổi
Mỗi bé cần thời gian ngủ khác hẳn nhau. Điều này tùy thuộc và độ tuổi, cơ thể bé và khoảng thời gian ngủ trong ngày. Ví dụ,một  trẻ tập đi cần ngủ 13 tiếng buổi đêm và chỉ thỉnh thoảng mới ngủ ngày, trong khi đó bé khác có thể cần 9 tiếng ngủ đêm và 2 tiếng ngủ trưa.
Mặc dù nhu cầu về thời gian của mỗi bé khác nhau, nhưng những hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thời gian ngủ phù hợ cho từng độ tuổi của bé:
- Từ lúc mới sinh đến 6 tháng đầu: bé cần 16-20 tiếng mỗi ngày để ngủ. Những bé càng nhỏ thì gần như ngủ suốt ngày, chỉ thức 2-3 tiếng để ăn. Khi bé 4 tháng, nhịp độ ngủ sẽ đều đặn hơn. Hầu hết các bé ngủ 10-12 tiếng vào ban đêm, có tỉnh giấc dở chừng để bú, và trung bình 3-5 tiếng ngủ ngày (chia thàng 2-3 giấc).
- 6-12 tháng: Các bé ở tuổi này thường ngủ đêm 11 tiếng, thêm 2 giấc ngủ ngày chiếm 3-4 tiếng. Nhiều bé không cần thức giữa đêm để bú, nhưng hay giật mình tỉnh giấc vì sợ.
- Giai đoạn tập đi (1-3 tuổi): Các bé tập đi cần ngủ 10-13 tiếng, gồm cả giấc ngủ trưa 1-3 tiếng. Bé càng nhỏ thì thường ngủ ngày 2 giấc, nhưng bạn nhớ đừng cho bé chợp mắt sát giờ đi ngủ tối.
- Giai đoạn mẫu giáo (3-5 tuổi): Bé sẽ cần 12 tiếng ngủ đêm và 1 tiếng ngủ trưa. Hầu hết các bé 5 tuổi sẽ dần quên đi giấc ngủ trưa này.
- Giai đoạn đi học (5-12 tuổi): Thói quen và giờ giấc ngủ vẫn tương tự như lúc mẫu giáo. Buổi tói bé cần được đi ngủ sớm.

3) Những dấu hiệu không tốt
Hầu hết các bậc cha mẹ đều ước lượng thời gian con mình ngủ, vì thế cần đảm bảo bé không bị mất ngủ, dễ dẫn đến các biểu hiện rõ ràng như mệt mỏi hay ảnh hưởng đến hành vi ứng xử cũng như việc học hành.

Hãy tự hỏi: 
Con mình có ngủ suốt cả ngày không?
Con mình có cáu kỉnh và khó chịu vào buổi trưa không?
Có khó khăn khi đánh thức con dậy vào mỗi sáng?
Con có triệu chứng thiếu tập trung, mất kiên nhẫn, quá hiếu động hay hung hăng không?
Con mình có khó khăn khi tập trung làm bài tập và các việc khác không?

Nếu bạn thấy có các biểu hiện trên thì hãy điều chỉnh giấc ngủ hoặc lên lịch cho con ngủ thêm vào ban ngày. Cũng phải mất vài tuần mới tìm được chế độ phù hợp cho bé. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn quá lo lắng với giấc ngủ của con.

4) Thói quen ngủ ngày và những vấn đề khác
Để có một giấc ngủ ngày lành mạnh thì bạn cần có một chế độ hợp lý từ sớm và thực hiện theo đó. Với các bé sơ sinh, chú ý đến những dấu hiệu như mắt thiu thiu gần nhắm, đưa bé vào nôi khi buồn ngủ chứ chưa ngủ hẳn. Hành động này giúp bé làm quen với việc tự đi vào giấc ngủ. Nhạc nhẹ, ít ánh sáng hoặc một câu chuyện thầm thì, lời ru…sẽ giúp bé dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
Với các bé tập đi và trẻ mẫu giáo, chuyện lên thời gian biểu để ngủ có khó khăn hơn. Mặc dù nhiều bé vẫn thích ngủ trưa nhưng có bé cũng thích dành thời gian để chơi và cố thức cho dù nhắt cứ muốn díp lại. Lúc này, đừng để bé cố chống lại cơn ngái ngủ, bạn không thể ép con nhưng có thể yêu cầu bé không làm ồn. Sau đó cho bé đọc truyện hoặc chơi yên lặng trong phòng. Các ông bố bà mẹ thường bất ngờ khi thấy những phút yên lặng như thế làm bé nhanh ngủ. Nếu “chiêu” này vẫn không áp dụng được thì bạn nên cho bé đi ngủ sớm vào buổi tối.
Nhiều bố mẹ cho rằng ngủ ngày sẽ làm bé thức đêm. Nhưng trước khi bạn cố bắt bé không ngủ trưa thì hãy thử nghĩ xem: Bé được nghỉ ngơi đầy đủ vào ban ngày sẽ dễ ngủ hơn so với khi mệt mỏi và cũng ít giật mình lúc nửa đêm hơn. Nếu bạn thấy giấc ngủ ngày ảnh hưởng tới giờ ngủ tối thì nên cho bé ngủ trưa ít lại hoặc đánh thức con sớm hơn một chút vào buổi sáng. Còn khi muốn bỏ hẳn việc ngủ ngày thì tập cho bé quen dần với giờ giấc từng chút một. Cả bạn và bé sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều.
-Nguồn: giadinhnestle.com.vn-

Đăng nhận xét

 
Top